Bệnh trạng lao kháng thuốc nếu điều trị thường xuyên
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh lao trên thế giới với tần suất lao kháng thuốc ngày càng tăng theo cục HCDC năm 2020 dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong công tác điều trị.
Sơ lược về điều trị lao
Việt Nam hiện là một trong những nước mang gánh nặng về bệnh lao, xếp thứ 12 trong số 22 quốc gia có số người mắc bệnh lao cao nhất thế giới. Mỗi năm cả nước có hơn 100.000 trường hợp mắc bệnh đăng ký điều trị. TP HCM chiếm gần 15% bệnh nhân lao của cả nước, với khoảng 15.000 ca mỗi năm.
Hiện nay, điều trị lao dùng phổ biến 5 loại thuốc (gọi là thuốc hàng 1) là rifampicin (viết tắt là RIF hay R), isoniazid (INH hay H), pyrazinamide (PZA hay Z), ethambutol (EMB hay E), và streptomycin (SM hay S).
Tình trạng dùng thuốc chống lao hàng 1 không đủ liều, không đủ thời gian quy định hiện nay đang rất phổ biến và làm cho nguy cơ BK kháng thuốc lao hàng 1 đang tăng lên. BK sau một thời gian dài tiếp xúc với các hóa trị liệu chống lao ở nồng độ mà thuốc không tiêu diệt được chúng sẽ trở nên thích ứng được với thuốc đó.
Tình trạng này xảy ra là do người bệnh dùng thuốc không đủ liều lượng và thời gian quy định. Chính vì vậy, trong điều trị lao, việc tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc rất quan trọng.
Quần thể BK trong tổn thương lao chỉ bị quét sạch khi dùng thuốc chống lao theo nguyên tắc phối hợp liên tục 4 - 9 tháng và sử dụng loại hóa chất điều trị lao với liều lượng thích hợp. Trong điều trị lao bao giờ cũng phải phối hợp ít nhất 2-3 thuốc để loại trừ khả năng kháng thuốc của BK.
Có những bệnh nhân chỉ bị kháng thuốc ở mức độ ít nghiêm trọng, nhưng có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nặng hơn gọi là “lao đa kháng thuốc” và có những bệnh nhân kháng thuốc mức độ nguy hiểm hơn nữa gọi là “lao siêu kháng thuốc”.
Tại sao lại xảy ra trường hợp lao kháng thuốc
Lao kháng thuốc do không tuân thủ nguyên tắc điều trị: người bệnh tự ý ngưng dùng thuốc lao hay dùng thuốc không đúng và không đầy đủ.
Một số bệnh nhân sau một thời gian uống thuốc thấy mình khỏe và không có triệu chứng gì, cho rằng mình đã khỏi bệnh nên tự ý bỏ thuốc trị lao. Bệnh nhân không biết rằng BK là loại vi khuẩn “sống dai” và rất nguy hiểm. Sau một thời gian “nằm ẩn mình” và tìm cách chống lại thuốc lao, chúng sẽ hoạt động gây bệnh trở lại.
- Lúc này, người bệnh trở nên bị lao kháng thuốc và bệnh sẽ nguy hiểm hơn lúc phát bệnh lao ban đầu.
- Ngoài ra, cũng có bệnh nhân bị khó chịu do tác dụng phụ của thuốc lao trong quá trình điều trị, nhưng không đến tái khám để điều chỉnh thuốc mà tự bỏ trị nửa chừng.
- Một số thầy thuốc đôi khi cũng vô tình gây ra lao kháng thuốc do cho thuốc không đủ liều lượng hoặc trong quá trình điều trị cho bệnh nhân nghỉ dùng thuốc lao để điều trị các tác dụng phụ quá lâu mà không theo dõi.
- Cũng có bệnh nhân uống thuốc lao không đều đặn, hay uống không đủ liều thuốc... Tất cả những trường hợp này đều tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng lao trở nên kháng thuốc.
- Kháng thuốc có thể do vi khuẩn lao: BK là loại vi trùng dễ đột biến, nói dễ hiểu hơn là chúng “rất khôn”, dễ thay đổi cấu trúc (đột biến gen) để chống lại thuốc lao.
- Ngay cả khi bệnh nhân được điều trị đúng cách và tuân thủ tốt việc dùng thuốc thì BK vẫn có khả năng tìm cách chống lại thuốc lao.
- Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc phải bệnh lao kháng thuốc ngay từ trước khi điều trị lao, có nghĩa là, chúng ta hít phải vi khuẩn lao vốn đã kháng thuốc từ những người khác đã bị lao kháng thuốc trong cộng đồng và sau đó loại vi trùng kháng thuốc này sẽ sinh sôi nảy nở trong cơ thể chúng ta.
- Hiện nay, trong cộng đồng chúng ta có rất nhiều người bị lao kháng thuốc nhưng chưa được điều trị và những người này là nguồn lây lan lao kháng thuốc cho những người khỏe mạnh khác trong cộng đồng.
Phác đồ điều trị bệnh lao
“Chữa khỏi bệnh lao thông thường chỉ cần phác đồ điều trị 6 tháng. Lao kháng thuốc, thời gian điều trị phải từ 19 đến 24 tháng với quá trình điều trị nghiêm ngặt, nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Nếu không tuân thủ sẽ trở thành siêu kháng thuốc, tỷ lệ tử vong cao”, chuyên gia Bửu cho biết.
Mục tiêu của Tổ chức Y tế thế giới WHO là giảm 50% tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do lao vào năm 2015. TP HCM cũng đã triển khai chiến lược chống lao mới, phù hợp với chiến lược chống lao toàn cầu nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Hơn 70% số bệnh nhân lao kháng thuốc được cứu sống sau 19-24 tháng điều trị, không như trước đây là gần như không ai sống sót sau 2-3 năm.
TP HCM đang thử nghiệm phác đồ điều trị 6 tháng đối với bệnh nhân lao. Sau khi triển khai công thức này, số trường hợp tái phát từ 6% giảm xuống còn 2%, giảm 1/3 so với phác đồ 8 tháng trước kia. Tuy nhiên, tỷ lệ điều trị thất bại lại tăng lên.
Phương pháp điều trị bệnh lao kháng thuốc
Điều trị lao kháng thuốc rất tốn kém và phức tạp: Thời gian điều trị lao kháng thuốc có thể cần kéo dài đến 24 tháng.
Điều trị lao kháng thuốc cần kết hợp nhiều loại thuốc lao hơn bình thường và các thuốc lao hàng 2 dùng trong điều trị lao kháng thuốc cũng có nhiều tác dụng phụ hơn.
Do đó, quá trình điều trị lao kháng thuốc sẽ phức tạp hơn và cần được theo dõi nhiều hơn. Các thuốc trị lao kháng thuốc hiện nay hay dùng là
- kanamycin
- capreomycin
- amikacin
- ethionamide
- PAS
- cycloserin
- clofazimin
- ciprofloxacine
- ofloxacin
- levofloxacin
Đây là các thuốc thường được gọi là thuốc hàng 2 chỉ được dùng khi bệnh nhân bị kháng với thuốc lao hàng 1, hay dùng trong một số trường hợp đặc biệt. Các thuốc này thường có nhiều tác dụng phụ hơn và việc sử dụng thuốc cũng phức tạp hơn thuốc kháng lao hàng 1.
Ngoài ra, giá thành của các thuốc kháng lao hàng 2 cũng đắt hơn rất nhiều. Mới đây có nghiên cứu để đưa thêm các thuốc kháng lao mới như delamanid và bedaquline. Tuy nhiên, giá thuốc khá cao và cũng chưa được theo dõi đầy đủ về tác dụng có hại nên thuốc chưa được sử dụng nhiều
Lời khuyên đối với bệnh nhân gặp lao kháng thuốc
Theo chuyên gia Trần Ngọc Bửu, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh nhân mắc lao hầu hết trong độ tuổi lao động. Đa số họ chỉ dùng thuốc vài tháng đầu, khi thấy khỏe hơn, tưởng là hết bệnh nên bỏ dở điều trị. Việc điều trị dở dang khiến bệnh không được chữa dứt điểm và nhanh tái phát, với nguy cơ kháng thuốc cao.
"Mấy chục năm qua, thuốc điều trị lao vẫn chưa có nhiều thay đổi. Nếu lao kháng thuốc thì việc điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng sẽ rất cao. Việc phòng và chữa bệnh lao không chỉ là trách nhiệm ngành y tế mà của cả cộng đồng, vì sức khỏe chính bản thân bệnh nhân và tất cả mọi người", chuyên gia Bửu nhấn mạnh.
*Lưu ý: Hiệu quả của việc điều trị còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người