Nhận biết lao sơ nhiễm ở trẻ em
Lao sơ nhiễm được hiểu chung là toàn bộ các biểu hiện về sinh học, cơ chế, giải phẫu học của cơ thể khi lần đầu tiếp xúc với vi khuẩn lao ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên đối với trẻ em khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì đối tượng này dễ bị lao xâm nhập và gây hậu quả nghiêm trọng mãi về sau.
Những trường hợp không có biểu hiện lâm sàng mà chỉ có thay đổi sinh học với bằng chứng là có phản ứng dương tính với Tuberculin thì được gọi là nhiễm lao hay lao sơ nhiễm tiềm tàng.
Lao sơ nhiễm là bị gì
Vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào cơ thể bằng 3 đường: hô hấp, tiêu hoá hoặc niêm mạc da. Tuỳ theo đường lây nhiễm bệnh mà biểu hiện lâm sàng khác nhau. Những biểu hiện sinh học (chuyển phản ứng) và tổn thương cơ bản đầu tiên (phức hợp sơ nhiễm) là giống nhau. Vấn đề được trình bày chủ yếu là lao sơ nhiễm ở phổi. ở nước ta lao sơ nhiễm chưa được điều tra chính xác, ước tính là từ 10 đến 13 trên 100.000 trẻ em. Khoảng 50% trẻ bị bệnh lao điều trị tại chuyên khoa lao các tỉnh là lao sơ nhiễm theo thống kê của cục y tế CDC Việt Nam 2020 .
Nguyên nhân chính
Vi khuẩn lao người là nguyên nhân chính gây bệnh lao sơ nhiễm, trong đó có cả những chủng đơn kháng thuốc hoặc đa kháng thuốc.
Vi khuẩn lao bò gây bệnh với tỷ lệ thấp hơn. Trực khuẩn lao bò có trong sữa của những con bò bị lao vú.
Trực khuẩn kháng cồn kháng acid không điển hình cũng có thể gây bệnh, nhất là ở trẻ có mắc bệnh HIV/AIDS, hoặc tiếp xúc với người bị HIV/AIDS
Đường lây bệnh
Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể gây tổn thương sơ nhiễm bằng ba con đường chính như sau:
- Đường hô hấp: Do hít phải các giọt nước bọt có chứa từ 1 đến 2 vi khuẩn lao mà người bị lao phổi ho khạc bắn ra bên ngoài. Các giọt nước bọt này vào đến tận phế nang giống như các dị vật khác; vì phế quản gốc bên phải dốc hơn nên tổn thương thường nằm ở thuỳ dưới phổi phải.
- Đường tiêu hoá: Lây nhiễm theo con đường này phần lớn là do uống phải sữa tươi của những con bò bị lao vú chưa tiệt trùng hoặc tiệt trùng không đúng nguyên tắc. Do nuốt phải vi khuẩn lao lẫn trong thức ăn, đồ uống khác. Thể đặc biệt là lao sơ nhiễm bẩm sinh, do thai nhi nuốt phải nước ối hoặc dịch âm đạo có vi khuẩn lao do người mẹ bị lao nội mạc tử cung hoặc lao âm đạo.
- Đường da – niêm mạc: Lây nhiễm theo đường này hiếm gặp hơn, vi khuẩn lao có thể xâm nhập vào những vùng da sây sát, chảy máu hoặc những vùng niêm mạc mắt, họng... bị tổn thương.
Phương pháp điều trị
Nếu chỉ chuyển phản ứng da dương tính, không tiêm BCG, không có dấu hiệu lâm sàng và X quang: Izoniazid với liều 5 mg/ kg thể trọng, dùng trong 12 tháng.
- Có đủ dấu hiệu lâm sàng và X quang, chuyển phản ứng: Điều trị đặc hiệu theo phác đồ 2RHZ/4RH.
- Điều trị triệu chứng.
- Dinh dưỡng tốt: nhằm khôi phục và nâng cao thể trạng, tăng cường sức đề kháng.
- Corticoid: Chỉ định prednisolon 1mg/kg thể trọng trong những thể có hạch to. Tuy nhiên, chống chỉ định trong trường hợp lây từ nguồn lây kháng thuốc.
Phòng bệnh cho trẻ
Cần phải thực hiện các biện pháp tối ưu giúp trẻ tránh khỏi các virus lao sơ nhiễm như sau :
- Cho trẻ chích ngừa lao theo chương trình tiêm chủng của quốc gia.
- Tầm soát lao: những người có tiếp xúc với người bệnh lao phổi thì nên được khám tầm soát lao, hoặc trong gia đình có người mắc bệnh lao phổi thì tất cả thành viên trong gia đình nên được kiểm soát lao, đặc biệt là trẻ nhỏ, dù cho không có triệu chứng gì, vì một số trường hợp trẻ sẽ không có triệu chứng gì cho đến khi cơ thể phát bệnh lao nặng.
- Nếu trong gia đình có người bệnh lao phổi thì cần áp dụng các biện pháp vệ sinh để tránh lây nhiễm lao cho người khác (ở phòng riêng, ăn uống riêng, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên). Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh lao phổi.
- Tăng cường sức đề kháng của cơ thể (chống suy dinh dưỡng)
- Giữ nhà cửa thông thoáng.
- Cải thiện những điều kiện sống.
- Phát hiện kịp thời và thanh toán nguồn lây lao phổi.
- Kiểm soát chặt chẽ lao ở bò, các sản phẩm sữa.
- Phòng chống các bệnh khác: suy dinh dưỡng, nhiễm khuẩn, nhiễm virus v.v...
*Lưu ý: Hiệu quả của việc điều trị còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người