Thu gọn danh mục
Danh mục bài viết

Thói quen ngoáy mũi mang lại tác hại gì cho cơ thể

Ngày đăng : 12-05-2021 - Lượt xem : 1558

Có lẽ ai trong chúng ta cũng biết, ngoáy mũi nơi công cộng là một thói quen "không đẹp mắt". Tuy nhiên, đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao việc ngoáy mũi lại làm bạn thích thú đến vậy? Liệu thói quen ngoáy mũi sẽ giảm tần suất chỉ vì bạn biết đó là một hành động không đẹp. 

Có lẽ bạn không nghĩ rằng ngoáy mũi cũng gây ra rất nhiều biến chứng không tốt cho cơ thể nếu như vô tình chạm hay nhiễm vi khuẩn từ bên ngoài.

Lý giải tại sao con người lại thích ngoáy mũi

Những nghiên cứu sâu về thói quen ngoáy mũi - có tên thuật ngữ y học là “rhinotillexomania” được thực hiện lần đầu bởi hai nhà khoa học người Mỹ - Thompson và Jefferson vào năm 1995. Họ đã gửi những câu hỏi điều tra cho hơn 1.000 người ở độ tuổi trưởng thành trong khu vực thành phố Dane County, Wisconsin qua đường bưu điện.

Trong số 254 câu trả lời mà họ nhận lại được, có tới 91% người thú nhận về thói quen ngoáy mũi của mình. Đặc biệt, đã có 2 người cho biết việc ngoáy mũi đã trực tiếp ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của họ.

Mặc dù đây chưa phải là một cuộc điều tra hoàn hảo khi các nhà khoa học mới chỉ nhận lại phản hồi từ ¼ số người được hỏi nhưng kết quả của cuộc điều tra cho thấy, việc ngoáy mũi là phổ biến mặc dù có nhiều đánh giá không tốt về hành động này.

Năm năm sau đó, tiến sĩ Chittaranjan Andrade và chuyên gia Srihari của Viện Sức khỏe Tâm thần và Khoa học thần kinh tại Bangalore (Ấn Độ) đã quyết định nghiên cứu kỹ hơn về sở thích ngoáy mũi này với 200 học sinh của một trường trung học.

Hầu như tất cả đều thừa nhận mình có thói quen ngoáy mũi với tần suất trung bình 4 lần/ngày. Cụ thể, 7,6% số học sinh được phỏng vấn nói rằng, mình ngoáy mũi hơn 20 lần/ngày và có tới 20% đang gặp vấn đề nghiêm trọng với việc ngoáy mũi. Ngoài ra, 24 đối tượng cho biết nguồn gốc của việc ngoáy mũi là do… cảm thấy dễ chịu và có tới 9 người thú nhận thường xuyên ăn “sản phẩm”.

Con trai thường hay làm như vậy hơn, trong khi con gái thường nghĩ đó là thói xấu. Con trai, theo thống kê, còn thường có thêm những thói xấu như là cắn móng tay (tên khoa học là onychophagia) hoặc nhổ lông mũi (trichotillomania).

Tác hại của thói quen ngoáy mũi

Chất nhầy trong mũi là sản phẩm phụ trong quá trình trao đổi chất của con người. Trong lỗ mũi con người có một màng mỏng được gọi là niêm mạc mũi. Bộ phận này không ngừng tiến hành trao đổi chất, chất nhầy mũi là sản phẩm sót lại sau khi lớp màng này khô đi.

Thường thì vi sinh vật trong chất nhầy này không gây ra bệnh, chỉ có khi sức đề kháng của con người kém thì mới gây nên tình trạng đó. Trên thực tế, khoa học chứng minh rằng, việc lấy chất nhầy mũi rất dễ khiến con người mắc bệnh. Cụ thể như:

 

Đưa vi khuẩn vào cơ thể

Các bụi bẩn, vi khuẩn khi xâm nhập vào cơ thể chúng ta qua đường hô hấp đều được "hàng rào" lông mũi chặn lại. Bên cạnh đó, lông mũi giúp không khí trước khi vào phổi trở nên ấm hơn. Hành động ngoáy mũi quá nhiều khiến lớp lông mũi dần trở nên thưa thớt, rụng nhanh. Khi lớp chắn bụi không còn, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập phổi chúng ta hơn bao giờ hết. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và nặng nề hơn là tắc mạch phổi hay nhiễm trùng.

 

Gây bệnh viêm nang lông

Động tác ngoáy mũi sẽ khiến bạn mắc bệnh viêm nang lông. Triệu chứng của bệnh là những mụn nhọt mọc lên ở phần lông mũi, khiến chúng ta đau đớn, khó chịu. Nặng nề hơn, khi những nốt mụn nhọt bị tổn thương sẽ xảy ra nhiễm trùng máu và rồi đi lên não.

 

Gây bệnh viêm xoang

Ngón tay chúng ta thường chứa nhiều vi khuẩn mà mắt thường chẳng thể nhìn thấy được. Khi ngoáy mũi, bạn đã tạo điều kiện giúp những vi khuẩn này xâm nhập vào đường hô hấp, ảnh hưởng đến xoang mũi. Từ đó, một loạt những triệu chứng của bệnh viêm xoang sẽ có thể "viếng thăm" bạn: nhiễm trùng, đỏ mũi, tắc lỗ mũi, sưng mũi...

Hệ quả là sức khoẻ bạn sẽ suy yếu khủng khiếp, liên tục đau hốc mắt, đau đầu, thậm chí còn làm suy giảm chức năng khứu giác và giảm sút trí nhớ. Ngoài ra, khi bạn khó khăn lắm mới khỏi bệnh cảm lạnh, viêm xoang mà lại ngoáy mũi thì dễ dàng "giúp" bệnh nặng tái phát cùng hàng triệu con vi khuẩn trong móng tay đi vào mũi.

 

 

Tổn thương lớp niêm mạc mũi

Trong cấu tạo mũi, niêm mạc mũi vẫn là bộ phận nhạy cảm và quan trọng nhất. Lớp màng dính ở mũi, mềm, mỏng này chứa rất nhiều mạch máu. Khi bạn ngoáy mũi với lực tác động mạnh, lớp niêm mạc mũi rất có thể bị rách, dẫn đến tình trạng chảy máu mũi rất nguy hiểm.

 

Gây nhiễm trùng não

Nếu mũi đang có mụn nhọt mà vô tình ngoáy mũi và làm vỡ mụn này, gây ra sự nhiễm trùng thì có thể gây hại lớn cho sức khỏe của chúng ta, bởi sự nhiễm trùng ở mũi có thể lây lan tới bộ não thông qua đường máu.

Nguyên nhân là do khu vực này chia sẻ chung nguồn cung cấp máu với não, do vậy mọi nhiễm trùng đây đều có nguy cơ lây lan đến não.

 

Hướng dẫn cách chăm sóc mũi an toàn và vệ sinh

Thói quen tuy khó bỏ nhưng vì sức khoẻ của chính mình, bạn cần nỗ lực tránh xa nó. Dưới đây là những lời khuyên đến từ chuyên gia chăm sóc sức khoẻ, hãy chăm sóc mũi an toàn và sạch sẽ bạn nhé.

Bạn nên sử dụng tăm bông nếu cảm thấy nghẹt mũi hoặc có vật lạ xuất hiện trong mũi. Nếu muốn ngoáy mũi, hãy đảm bảo mình đã vệ sinh tay bằng xà phòng. Nên rửa mũi bằng nước muối sinh lý 2 ngày 1 lần, không nên dùng quá thường xuyên.

Với môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi như hiện nay, việc sử dụng khẩu trang y tế khi tham gia giao thông là việc vô cùng cần thiết. Khi gặp một số triệu chứng như chảy nước mũi, đau rát, hắt hơi, sổ mũi… liên tục không dứt, không rõ lý do, bạn cần tìm đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời. Vì sức khoẻ của cả cơ thể nói chung và của hệ hô hấp nói riêng, hãy giữ cho mũi của bạn được sạch sẽ.

Tư vấn bác sĩ triệu chứng các bệnh về tai mũi họng - PKDK Hoàn Cầu

 

*Lưu ý: Hiệu quả của việc điều trị còn tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người